Câu hỏi thường gặp

  • Quy định trách nhiệm xử lý chất thải được quy định tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, khó tra cứu, tìm hiểu. Xin hỏi có tài liệu nào hệ thống và tổng hợp các quy định này cho doanh nghiệp nghiên cứu, thực hiện dễ dàng không?

    Nhằm giúp các nhà sản xuất, nhập khẩu tìm hiểu, nắm bắt dễ dàng các quy định của pháp luật về trách nhiệm xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu mà không cần phải mất thời gian tra cứu, tìm hiểu nhiều văn bản quy phạm pháp luật cùng lúc, Vụ Pháp chế, Bộ TN&MT thực hiện tổng hợp, hệ thống hóa toàn bộ các quy định của pháp luật về trách nhiệm xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu. Chi tiết xem tại đây 

  • Tiền đóng góp hỗ trợ xử lý chất thải có phải là thuế, phí môi trường không? Tiền đóng góp hỗ trợ xử lý chất thải được sử dụng vào mục đích và được quản lý, sử dụng như thế nào?

    Tiền đóng góp hỗ trợ xử lý chất thải không phải là thuế, phí môi trường. Thuế và phí môi trường là khoản thu ngân sách nhà nước, sử dụng cho các mục đích khác nhau và được điều chỉnh bởi pháp luật về thuế, phí. Tiền đóng góp tài chính của nhà sản xuất, nhập khẩu hỗ trợ xử lý chất thải là khoản kinh phí ngoài ngân sách nhà nước, chỉ được sử dụng cho các hoạt động hỗ trợ thu gom, xử lý chất thải (không sử dụng cho mục đích khác ngoài các hoạt động hỗ trợ thu gom, xử lý chất thải).

     

    Tiền đóng góp tài chính hỗ trợ xử lý chất thải được sử dụng để hỗ trợ trực tiếp cho các hoạt động: (1) thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân; (2) nghiên cứu, phát triển công nghệ, kỹ thuật, sáng kiến xử lý chất thải rắn sinh hoạt; (3) thu gom, vận chuyển, xử lý bao bì chứa thuốc bảo vệ thực vật. Cơ quan, tổ chức có các hoạt động thu gom, xử lý chất thải nêu trên có thể nộp hồ sơ để được xem xét, hỗ trợ kinh phí để triển khai thực hiện. Việc quản lý, sử dụng tiền đóng góp hỗ trợ xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu được quản lý, sử dụng công khai, minh bạch, đúng mục đích và được quyết định, giám sát bởi Hội đồng EPR quốc gia, trong đó có đại diện của nhà sản xuất, nhập khẩu.

  • Việc kiểm tra, thanh tra và giám sát việc tuân thủ trách nhiệm xử lý chất thải như thế nào? Trường hợp không tuân thủ thì có bị xử lý không?

    Việc thực hiện trách nhiệm xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu được kiểm tra, thanh tra, giám sát theo quy định của pháp luật; trường hợp phát hiện hành vi vi phạm thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, trong đó nếu bị xử phạt vi phạm hành chính thì doanh nghiệp có thể bị công khai tên doanh nghiệp vi phạm. Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ thực hiện việc rà soát, đối chiếu số liệu kê khai của doanh nghiệp với số liệu của cơ quan thuế, hải quan, đăng ký doanh nghiệp… ; trường hợp phát hiện sai phạm thì sẽ quyết định việc thanh tra, kiểm tra và xử lý hành vi vi phạm.

  • Việc công khai thông tin về sản phẩm, bao bì thuộc đối tượng xử lý chất thải được thực hiện từ khi nào? Thông tin công khai gồm những gì?

    Nhà sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, bao bì thuộc đối tượng thực hiện trách nhiệm xử lý chất thải phải thực hiện công khai thông tin sản phẩm, bao bì được sản xuất, nhập khẩu từ ngày 10 tháng 01 năm 2022. Thông tin công khai sản phẩm, bao bì gồm: thành phần nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu; hướng dẫn phân loại, thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý; cảnh báo rủi ro trong quá trình tái chế, tái sử dụng, xử lý.

  • Xin hỏi thời hạn nộp bản kê khai và thời hạn nộp tiền hỗ trợ xử lý chất thải vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam? Việc nộp tiền được thực hiện như thế nào?

    Theo quy định của pháp luật, thời hạn nộp bản kê khai nộp tiền hỗ trợ xử lý chất thải là ngày 31 tháng 3 hằng năm. Đối với năm 2022, nhà sản xuất, nhập khẩu thuộc đối tượng thực hiện Trách nhiệm xử lý chất thải phải nộp bản kê khai nộp tiền xử lý chất thải chậm nhất là ngày 31 tháng 3 năm 2022 về Quỹ BVMT Việt Nam.

    Thời hạn nộp tiền hỗ trợ xử lý chất thải trong trường hợp nộp một lần là trước ngày 20 tháng 4 hằng năm. Trường hợp nhà sản xuất, nhập khẩu nộp thành 02 lần thì lần thứ nhất trước ngày 20 tháng 4 hàng năm nộp tối thiểu 50% số tiền phải nộp và lần thứ hai trước ngày 20 tháng 10 hàng năm nộp số tiền còn lại. Nhà sản xuất, nhập khẩu nộp tiền hỗ trợ xử lý chất thải vào Quỹ Bảo vệ môi trường theo tài khoản: Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam - Số tài khoản: 202266888 tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quốc tế Việt Nam (chi nhánh Đống Đa). Nội dung chuyển tiền: ghi rõ tên nhà sản xuất, nhập khẩu và mã số thuế.

     

    Lưu ý: trường hợp nhà sản xuất, nhập khẩu không nộp bản kê khai, không nộp tiền hoặc nộp chậm bản kê khai, nộp tiền chậm thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính

  • Theo quy định hiện hành, giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) là giá bán ra theo công thức = giá bán chưa có thuế VAT-thuế bảo vệ môi trường/1+ thuế suất thuế TTĐB. Chúng tôi xin hỏi phí đóng góp vào Quỹ bảo vệ môi trường VN có được trừ vào giá tính thuế TTĐB hay không?

    Không được. Khoản đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam không phải là thuế, phí, lệ phí. Vì vậy, khoản đóng góp này không được trừ vào giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt. 

  • Những ai được tiếp cận và được nhận hỗ trợ tài chính từ Quỹ BVMT Việt Nam để thực hiện hoạt động xử lý chất thải?

    Cơ quan, tổ chức nào có nhu cầu hỗ trợ tài chính để thực hiện các hoạt động thu gom, xử lý chất thải thì nộp hồ sơ để được xem xét, hỗ trợ theo quy định. Các hoạt động sau đây được xem xét, hỗ trợ: (1) thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân; (2) nghiên cứu, phát triển công nghệ, kỹ thuật, sáng kiến xử lý chất thải rắn sinh hoạt; (3) thu gom, vận chuyển, xử lý bao bì chứa thuốc bảo vệ thực vật.

  • Công ty chúng tôi hàng năm có phối hợp với chính quyền các địa phương tổ chức chương trình thu gom chất thải bên ngoài môi trường và đem số lượng này đi tiêu hủy và xử lý. Xin hỏi chúng tôi có được trừ số lượng này khi đóng góp tài chính hỗ trợ xử lý chất thải hay không?

    Đây là hai việc khác nhau nên không thể lấy việc này trừ cho việc kia. Việc thực hiện chương trình thu gom, xử lý chất thải bên ngoài môi trường là việc làm tự nguyện của doanh nghiệp, không bắt buộc. Trách nhiệm xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu là trách nhiệm bắt buộc đối với việc sản xuất, nhập khẩu một số sản phẩm, bao bì nhất định. Hoạt động thu gom, xử lý chất thải của công ty có thể được hỗ trợ từ khoản đóng góp tài chính hỗ trợ xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu nếu đáp ứng các yêu cầu theo quy định của pháp luật.

  • Tại mẫu 8, cách tính số tiền đóng quỹ thì chỉ có một số sản phẩm (tã bỉm, bvs...) là tính theo % giá trị nhập khẩu, còn lại tính theo số tiền nhân kilogram nhựa sử dụng. Tuy nhiên, Mẫu 8 yêu cầu kê khai giá trị nhập khẩu của tất cả hàng hóa, sản phẩm. Xin giải thích thêm về yêu cầu kê khai giá trị nhập khẩu của tất cả hàng hóa trong mẫu 8?

    Việc kê khai toàn bộ sản phẩm, hàng hóa nhằm đảm bảo việc kê khai của nhà sản xuất, nhập khẩu là đúng, đủ đối tượng sản phẩm, bao bì phải thực hiện trách nhiệm. Thông tin kê khai của doanh nghiệp nhằm phục vụ công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu đảm bảo tiêu chí công khai, minh bạch và công bằng giữa các nhà sản xuất, nhập khẩu. Bộ TN&MT không sử dụng thông tin kê khai của doanh nghiệp với mục đích khác.

  • Việc kê khai và đóng tiền hỗ trợ xử lý chất thải được thực hiện như thế nào khi mà năm 2022 chưa có số liệu về doanh thu, giá trị nhập khẩu?

    Theo quy định của pháp luật, việc kê khai số tiền đóng góp hỗ trợ xử lý chất thải được tính theo khối lượng sản phẩm, bao bì sản xuất được đưa ra thị trường và nhập khẩu của năm liền trước. Năm 2022 là năm thực hiện trách nhiệm xử lý chất thải, thì nhà sản xuất, nhập khẩu sử dụng doanh thu và khối lượng sản phẩm, bao bì được sản xuất, đưa ra thị trường hoặc nhập khẩu của năm 2021 để kê khai và nộp tiền vào Quỹ BVMT Việt Nam.

     

    Pháp luật cũng đã có quy định trường hợp kê khai khối lượng sản phẩm, bao bì thấp hơn thực tế sản xuất đưa ra thị trường và nhập khẩu thì nhà sản xuất, nhập khẩu phải nộp số tiền cho phần chênh lệch trong năm tiếp theo; trường hợp kê khai lượng sản phẩm, bao bì nhiều hơn thực tế sản xuất đưa ra thị trường hoặc nhập khẩu thì được trừ số tiền đã nộp cho phần chênh lệch trong năm tiếp theo.

  • Xin hỏi trường hợp công ty sản xuất khăn ướt, tã bỉm, băng vệ sinh vừa để xuất khẩu và bán trong nước thì trách nhiệm xử lý chất thải chỉ áp dụng và kê khai phần sản phẩm bán trong nước, không tính phần sản phẩm xuất khẩu có phải không?

    Đúng vậy. Tã bỉm, băng vệ sinh, khăn ướt được sản xuất và bán trong nước thì nhà sản xuất phải thực hiện trách nhiệm xử lý chất thải, tức là đóng góp tài chính vào Quỹ BVMT Việt Nam để hỗ trợ xử lý chất thải. Trường hợp tã bỉm, băng vệ sinh, khăn ướt được sản xuất và xuất khẩu ra nước ngoài thì nhà sản xuất không phải thực hiện trách nhiệm xử lý chất thải.