HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN TÁI CHẾ CHẤT THẢI


1. Các hình thức thực hiện trách nhiệm tái chế?

1.1 Nhà sản xuất, nhập khẩu được lựa chọn thực hiện tái chế sản phẩm, bao bì theo một trong 02 hình thức: (1) Tổ chức tái chế sản phẩm, bao bì và (2) Đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì.

Trường hợp nhà sản xuất, nhập khẩu lựa chọn hình thức tổ chức tái chế sản phẩm, bao bì thì có thể lựa chọn thực hiện theo các cách thức sau đây:

  • Tự thực hiện tái chế (phải đáp ứng các yêu cầu bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật);
  • Thuê đơn vị tái chế để thực hiện tái chế (đơn vị tái chế phải đáp ứng các yêu cầu bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật – Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố danh sách đơn vị tái chế để nhà sản xuất, nhập khẩu lựa chọn; nhà sản xuất, nhập khẩu không ủy quyền cho bên được ủy quyền không bảo đảm yêu cầu theo quy định của pháp luật);
  • Uỷ quyền cho tổ chức trung gian để tổ chức thực hiện tái chế (bên được uỷ quyền phải bảo đảm: (1) Có tư cách pháp nhân và được thành lập theo quy định của pháp luật;(2) Không trực tiếp tái chế và không có quan hệ sở hữu với bất kỳ đơn vị tái chế nào liên quan đến phạm vi được uỷ quyền; (3) Được ít nhất 03 nhà sản xuất, nhập khẩu đồng ý uỷ quyền tổ chức tái chế - Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố danh sách đơn vị tái chế để nhà sản xuất, nhập khẩu lựa chọn; nhà sản xuất, nhập khẩu không ủy quyền cho bên được ủy quyền không bảo đảm yêu cầu theo quy định của pháp luật);
  • Kết hợp cả 03 cách thức nêu trên.

Lưu ý: nhà sản xuất, nhập khẩu hoặc bên được ủy quyền phải đăng ký kế hoạch tái chế và báo cáo kết quả tái chế về Bộ Tài nguyên và Môi trường (chi tiết xem tại Mục 4 dưới đây).

Trường hợp nhà sản xuất, nhập khẩu lựa chọn hình thức đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì thì phải tự thực hiện kê khai và nộp tiền hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì (chi tiết xem tại Mục 5 dưới đây) và không phải tổ chức tái chế sản phẩm, bao bì và không phải đăng ký kế hoạch, báo cáo kết quả tái chế. [xem chi tiết tại khoản 2 Điều 54 Luật Bảo vệ môi trường; Điều 79 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ]

2. Đăng ký kế hoạch và báo cáo kết quả tái chế như thế nào?

2.1. Nhà sản xuất, nhập khẩu lựa chọn hình thức tổ chức tái chế thì tự mình hoặc bên được uỷ quyền phải đăng ký kế hoạch tái chế và báo cáo kết quả tái chế hàng năm đến Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 31 tháng 3 hàng năm theo 02 mẫu sau đây:

Mẫu đăng ký kế hoạch tái chế sản phẩm, bao bì;
Mẫu báo cáo kết quả tái chế sản phẩm, bao bì
Lưu ý: trường hợp kế hoạch tái chế, báo cáo kết quả tái chế không đạt yêu cầu, Bộ Tài nguyên và Môi trường thông báo bằng văn bản cho nhà sản xuất, nhà nhập khẩu hoặc bên được uỷ quyền để hoàn thiện kế hoạch, báo cáo trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận thông báo.

2.2. Trường hợp khối lượng sản phẩm, bao bì thực tế đưa ra thị trường và nhập khẩu nhiều hơn so với kế hoạch tái chế đã đăng ký thì nhà sản xuất, nhập khẩu phải bổ sung khối lượng chênh lệch vào kế hoạch tái chế của năm tiếp theo. Trường hợp khối lượng sản phẩm, bao bì thực tế sản xuất đưa ra thị trường và nhập khẩu ít hơn so với kế hoạch tái chế đã đăng ký thì nhà sản xuất, nhập khẩu được thực hiện, báo cáo kết quả tái chế theo khối lượng sản phẩm, bao bì thực tế đưa ra thị trường và nhập khẩu.

[xem chi tiết tại khoản 3 Điều 54 Luật Bảo vệ môi trường; Điều 80 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ; Mẫu số 01 và 02 Phụ lục IX Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường]

3. Đóng góp tài chính hỗ trợ tái chế như thế nào?

3.1 Nhà sản xuất, nhập khẩu lựa chọn hình thức đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế thì đóng góp tài chính hỗ trợ tái chế từng loại sản phẩm, bao bì theo công thức:

F = R x V x Fs

  • F là tổng số tiền mà nhà sản xuất, nhập khẩu phải đóng cho Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam theo từng loại sản phẩm, bao bì (đơn vị tính: đồng)
  • R là tỷ lệ tái chế bắt buộc của từng loại sản phẩm, bao bì quy định tại khoản 1 Điều 78 Nghị định này (đơn vị tính: %)
  • V là khối lượng sản phẩm, bao bì sản xuất, đưa ra thị trường và nhập khẩu trong năm thực hiện trách nhiệm tái chế (đơn vị tính: kg)
  • Fs là định mức chi phí tái chế hợp lý, hợp lệ đối với một đơn vị khối lượng sản phẩm, bao bì, bao gồm chi phí phân loại, thu gom, vận chuyển, tái chế sản phẩm, bao bì và chi phí quản lý hành chính hỗ trợ thực hiện trách nhiệm tái chế của nhà sản xuất, nhập khẩu (đơn vị tính: đồng/kg). Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Fs cho từng sản phẩm, bao bì và điều chỉnh Fs theo chu kỳ 03 năm một lần.

3.2 Nhà sản xuất, nhập khẩu tự kê khai và gửi bản kê khai số tiền đóng góp tài chính về Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam trước ngày 31 tháng 3 hằng năm. Việc kê khai số tiền đóng góp tài chính được tính theo khối lượng sản xuất, đưa ra thị trường và nhập khẩu sản phẩm, bao bì của năm liền trước. Nhà sản xuất, nhập khẩu hoặc bên được ủy quyền chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của thông tin trong bản kê khai.

3.3 Nhà sản xuất, nhập khẩu nộp tiền đóng góp tài chính hỗ trợ tái chế một lần vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam trước ngày 20 tháng 4 hàng năm hoặc được chọn nộp tiền thành 02 lần: lần thứ nhất nộp tối thiểu 50% tổng số tiền trước ngày 20 tháng 4 và lần thứ hai nộp số tiền còn lại trước ngày 20 tháng 10 cùng năm.

Thông tin tài khoản tiếp nhận đóng góp tài chính hỗ trợ hoạt động tái chế:

  • Tên tài khoản: Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam
  • Số tài khoản: 202266999
  • Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quốc tế Việt Nam (chi nhánh Đống Đa)
  • Nội dung chuyển tiền: ghi rõ tên nhà sản xuất, nhập khẩu và mã số thuế của nhà sản xuất, nhập khẩu

Thông tin thêm: Bộ Tài nguyên và Môi trường đang nghiên cứu, khảo sát và xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành định mức chi phí tái chế (Fs) đối với sản phẩm, bao bì, dự kiến trình Thủ tướng ban hành trong năm 2023 để kịp thời có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2024.

[xem chi tiết tại Điều 81 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ; khoản 4 Điều 78, khoản 2, 4 Điều 79, mẫu số 4 Phụ lục IX Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường]

4. Quản lý, sử dụng tiền đóng góp hỗ trợ tái chế như thế nào?

4.1. Đóng góp tài chính hỗ trợ tái chế của nhà sản xuất, nhập khẩu được dùng hỗ trợ các hoạt động phân loại, thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý sản phẩm, bao bì và chi phí quản lý hành chính hỗ trợ thực hiện trách nhiệm tái chế của nhà sản xuất, nhập khẩu.

4.2. Việc hỗ trợ tài chính cho hoạt động tái chế sản phẩm, bao bì quy định như sau:

  • Trước ngày 30 tháng 9 hằng năm, Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố công khai tiêu chí, ưu tiên, mức hỗ trợ tài chính cho hoạt động phân loại, thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý sản phẩm, bao bì của năm tiếp theo theo đề xuất của Hội đồng EPR quốc gia;
  • Cơ quan, tổ chức có nhu cầu được hỗ trợ tài chính lập hồ sơ đề nghị gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 30 tháng 10 hằng năm để được xét duyệt hỗ trợ.
  • Hội đồng EPR quốc gia thẩm định, biểu quyết thông qua các đề nghị hỗ trợ tài chính của cơ quan, tổ chức và trình Bộ Tài nguyên và Môi trường;
  • Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt kết quả thẩm định và các đề nghị hỗ trợ tài chính theo đề nghị của Hội đồng EPR quốc gia;
  • Tổ chức được Bộ Tài nguyên và Môi trường giao thực hiện thông báo và ký kết hợp đồng hỗ trợ với các cơ quan, tổ chức được nhận hỗ trợ tài chính;
  • Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam thực hiện thanh toán số tiền hỗ trợ cho cơ quan, tổ chức theo hợp đồng ký kết.

4.3. Việc tiếp nhận, sử dụng đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế phải công khai, minh bạch, đúng mục đích (chỉ hỗ trợ cho các hoạt động tái chế). Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam có trách nhiệm báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Hội đồng EPR quốc gia và công khai việc tiếp nhận, sử dụng tiền đóng góp tài chính hỗ trợ tái chế hằng năm trước ngày 31 tháng 3 của năm tiếp theo.

Thông tin thêm: Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng Thông tư của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Quy chế quản lý và sử dụng tiền đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường để hỗ trợ tái chế của nhà sản xuất, nhập khẩu. Thông tư này sẽ quy định chi tiết việc quản lý, sử dụng khoản tiền này hiệu quả và phải bảo đảm công khai, minh bạch, đúng mục đích theo quy định của pháp luật.

[xem chi tiết tại khoản 4 Điều 54 Luật Bảo vệ môi trường; Điều 82 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ; ]

5. Công khai thông tin sản phẩm, bao bì như thế nào?

Nhà sản xuất, nhập khẩu có trách nhiệm công khai thông tin sản phẩm, bao bì theo hình thức phù hợp (theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa). Thông tin công khai bao gồm: thành phần nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu; hướng dẫn phân loại, thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý; cảnh báo rủi ro trong quá trình tái chế, tái sử dụng, xử lý. [xem chi tiết tại khoản 1 Điều 86 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ]

6. Chế tài xử lý hành vi vi phạm như thế nào?

Nhà sản xuất, nhập khẩu không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ trách nhiệm tái chế theo quy định của pháp luật thì sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo từng hành vi vi phạm cụ thể.

Thông tin thêm: Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình và sắp tới Chính phủ sẽ ban hành Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, trong đó có xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến trách nhiệm tái chế của nhà sản xuất, nhập khẩu.