HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN XỬ LÝ CHẤT THẢI


1. Kê khai và nộp tiền hỗ trợ xử lý chất thải như thế nào?

1.1. Nhà sản xuất, nhập khẩu tự kê khai và gửi bản kê khai số tiền đóng góp hỗ trợ xử lý chất thải về Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam (số 85 Nguyễn Chí Thanh, quận Đồng Đa, thành phố Hà Nội) trước ngày 31 tháng 3 hàng năm. Việc kê khai số tiền đóng góp hỗ trợ xử lý chất thải được tính theo khối lượng sản phẩm, bao bì sản xuất được đưa ra thị trường và nhập khẩu của năm liền trước. Nhà sản xuất, nhập khẩu chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của thông tin trong bản kê khai.

Mẫu các bản kê khai nộp tiền hỗ trợ xử lý chất thải gồm có:

  • Mẫu Bản kê khai cho nhà sản xuất, nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật
  • Mẫu Bản kê khai cho nhà sản xuất, nhập khẩu: pin dùng 1 lần; tã lót, bỉm, băng vệ sinh, khăn ướt dùng 1 lần; kẹo cao su
  • Mẫu Bản kê khai cho nhà sản xuất, nhập khẩu thuốc lá
  • Mẫu kê khai cho nhà sản xuất, nhập khẩu sản phẩm có thành phần nhựa tổng hợp

Trường hợp kê khai khối lượng sản phẩm, bao bì thấp hơn thực tế sản xuất đưa ra thị trường và nhập khẩu thì nhà sản xuất, nhập khẩu phải nộp số tiền cho phần chênh lệnh trong năm tiếp theo; trường hợp kê khai lượng sản phẩm, bao bì nhiều hơn thực tế sản xuất đưa ra thị trường nhiều hơn thực tế sản xuất đưa ra thị trường hoặc nhập khẩu thì được trừ số tiền đã nộp cho phần chênh lệch trong năm tiếp theo.

1.2. Nhà sản xuất, nhập khẩu có trách nhiệm nộp tiền đóng góp hỗ trợ xử lý chất thải một lần vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam trước ngày 20 tháng 4 hàng năm hoặc được chọn nộp tiền thành 02 lần: lần thứ nhất nộp tối thiểu 50% tổng số tiền trước ngày 20 tháng 4 và lần thứ hai nộp số tiền còn lại trước ngày 20 tháng 10 cùng năm.

Thông tin tài khoản tiếp nhận đóng góp tài chính hỗ trợ xử lý chất thải:

  • Tên tài khoản: Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam
  • Số tài khoản: 202266888
  • Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quốc tế Việt Nam (chi nhánh Đống Đa)
  • Nội dung chuyển tiền: ghi rõ tên nhà sản xuất, nhập khẩu và mã số thuế của nhà sản xuất, nhập khẩu

[xem chi tiết tại Điều 84 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ; khoản 4 Điều 78, phụ lục 4 Phụ lục IX và khoản 2, 4 Điều 79 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường]

2. Quản lý, sử dụng tiền đóng góp hỗ trợ xử lý chất thải?

2.1. Đóng góp tài chính hỗ trợ xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu chỉ được dùng hỗ trợ trực tiếp cho các hoạt động xử lý chất thải, bao gồm:

  • Thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân;
  • Nghiên cứu, phát triển công nghệ, kỹ thuật, sang kiến xử lý chất thải rắn sinh hoạt;
  • Thu gom, vận chuyển, xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật.

2.2. Quy trình hỗ trợ tài chính cho hoạt động xử lý chất thải được quy định như sau:

  • Trước ngày 30 tháng 9 hằng năm, Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố công khai tiêu chí, ưu tiên, mức hỗ trợ tài chính cho hoạt động xử lý chất thải của năm tiếp theo theo đề xuất của Hội đồng EPR quốc gia;
  • Cơ quan, tổ chức có nhu cầu được hỗ trợ tài chính cho hoạt động xử lý chất thải lập hồ sơ đề nghị gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 30 tháng 10 hằng năm để được xét duyệt hỗ trợ.
  • Hội đồng EPR quốc gia thẩm định, biểu quyết thông qua các đề nghị hỗ trợ tài chính của cơ quan, tổ chức và trình Bộ Tài nguyên và Môi trường;
  • Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt kết quả thẩm định và các đề nghị hỗ trợ tài chính theo đề nghị của Hội đồng EPR quốc gia;
  • Tổ chức được Bộ Tài nguyên và Môi trường giao thực hiện thông báo và ký kết hợp đồng hỗ trợ với các cơ quan, tổ chức được nhận hỗ trợ tài chính;
  • Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam thực hiện thanh toán số tiền hỗ trợ cho cơ quan, tổ chức theo hợp đồng ký kết.

2.3 Việc sử dụng đóng góp tài chính hỗ trợ xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu phải công khai, minh bạch, đúng mục đích theo quy định của pháp luật.

Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam có trách nhiệm báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Hội đồng EPR quốc gia và công khai việc tiếp nhận, sử dụng tiền đóng góp tài chính để hỗ trợ hoạt động xử lý chất thải hằng năm trước ngày 31 tháng 3 của năm tiếp theo.

Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng Thông tư của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Quy chế quản lý, sử dụng tiền đóng góp hỗ trợ xử lý chất thải, dự kiến ban hành trong năm 2022. Thông tư này sẽ quy định chi tiết việc quản lý, sử dụng khoản tiền này hiệu quả và phải bảo đảm công khai, minh bạch, đúng mục đích theo quy định của pháp luật.

[xem chi tiết tại khoản 3, 4 Điều 55 Luật Bảo vệ môi trường; khoản 3 Điều 82 và Điều 85 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ]

3. Thông tin sản phẩm, bao bì được công khai như thế nào?

3.1 Nhà sản xuất, nhập khẩu có trách nhiệm công khai thông tin sản phẩm, bao bì theo hình thức phù hợp (theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa).

3.2 Thông tin công khai bao gồm: thành phần nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu; hướng dẫn phân loại, thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý; cảnh báo rủi ro trong quá trình tái chế, tái sử dụng, xử lý

[xem chi tiết tại khoản 1 Điều 86 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ]

4. Không thực hiện, thực hiện không đúng,
không đầy đủ có bị xử lý không?

4.1 Nhà sản xuất, nhập khẩu không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ trách nhiệm xử lý chất thải theo quy định của pháp luật thì sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo từng hành vi vi phạm cụ thể

4.2 Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình và sắp tới Chính phủ sẽ ban hành Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, trong đó có xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến trách nhiệm xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu.